Nhằm thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của Nhân dân đối với các anh hùng, liệt sĩ, các thương bệnh binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị cho các ban, ngành chọn một ngày trong năm 1947 làm Ngày Thương binh. Vì vậy, hội nghị tổ chức tại Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất lấy ngày 27/7/1947 là “Ngày Thương binh toàn quốc”. Từ năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi tên thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” cho đến nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Đặc biệt, trong bản Di chúc, Bác Hồ kính yêu căn dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm, sự trân trọng, biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chính giá trị văn hóa tốt đẹp này đã hun đúc tinh thần đoàn kết, ý chí, nghị lực kiên cường của các thế hệ người Việt Nam, quyết tâm đấu tranh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược với ý chí bất khuất “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, xây dựng đất nước hòa bình, phát triển như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Trong những năm kháng chiến, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện tốt chính sách với người có công và thân nhân người có công. Giai đoạn từ 1947 đến năm 2023, Đảng lãnh đạo Nhà nước ban hành hơn 800 văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (riêng lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để thực hiện chế độ, chính sách, tặng thưởng đối với người có công).
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều quyết sách quan trọng, luôn chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công; xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn hệ thống chính trị, như Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017, của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng” khẳng định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta khẳng định quan điểm nhất quán về thực hiện tốt chính sách với người có công: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”.

Ảnh: Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long viếng Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh (nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023)
Phát huy truyền thống và giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vì vậy Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn ghi nhớ và biết ơn những tấm gương anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và Nhân dân cả nước đều tổ chức những chương trình, hoạt động về nguồn, thể hiện lòng biết ơn, tri ân với các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng, tạo ra những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Tỉnh Vĩnh Long thực hiện tốt công tác điều dưỡng người có công: Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Vĩnh Long đón tiếp
đoàn điều dưỡng tỉnh Bình Thuận (ảnh trái); Đưa đoàn người có công tỉnh Vĩnh Long đi điều dưỡng tại tỉnh Kiên Giang (ảnh phải)
Tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua, luôn quan tâm thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, thăm, tặng quà dịp lễ, Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ cho người có công, tặng 127.856 phần quà, với kinh phí 37.729 triệu đồng; Tổ chức điều dưỡng 6.459 người có công và thân nhân người có công với cách mạng (điều dưỡng tập trung 434 người, điều dưỡng tại gia đình 6.025 người), tổ chức đưa 112 người có công đi thăm Lăng Bác, tham quan Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc; Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) như: thăm, tặng quà gia đình người có công, tổ chức đoàn đi thăm di tích lịch sử, gặp mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 51.109 triệu đồng. Hỗ trợ đột xuất 1.667 lượt người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 2.042 triệu đồng. Hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng 1.077 căn nhà người có công với số tiền 42.560 triệu đồng (từ nguồn tài trợ của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, Xổ số kiến thiết Vĩnh Long và các nguồn vận động khác, đóng góp của gia đình người có công). Tổ chức lễ công bố trả lại tên cho 35 liệt sĩ còn thiếu thông tin và gắn bia trả lại tên cho liệt sĩ; thực hiện hoàn trả 81 mẫu hài cốt liệt sĩ sau giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ. Thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn vốn Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ. Trung tâm Điều dưỡng Người có công đi vào hoạt động từ năm 2022 góp phần thực hiện tốt hơn công tác điều dưỡng người có công trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 26/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Đặc biệt là, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của thế trẻ với lịch sử cách mạng Việt Nam và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, non sông.
Hai là, tham mưu xây dựng chính sách thực hiện tốt hơn việc chăm lo, hỗ trợ người có công với cách mạng, chú trọng triển khai giải pháp nâng cao mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; quan tâm chăm lo cho gia đình người có công thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, minh bạch các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Ba là, triển khai thực hiện tốt các kế hoạch tặng quà người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công nhân các dịp lễ, tết. Tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đảm bảo trang trọng, thiết thực và ý nghĩa. Quan tâm sửa chữa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm bảo đảm khang trang. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tăng cường huy động nguồn lực của xã hội để chăm sóc người có công, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người có công.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu về lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc của Nhân dân ta đối với các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng vào dịp lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), Bác Hồ kính yêu nói rằng: “Đó là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”, lời Bác dạy đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục tỏa sáng, dẫn đường cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI đã đề ra, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no và hạnh phúc./.
H. Nhi - P KH-TC