Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi và phát triển, trong đó Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phục hồi phát triển thị trường lao động quốc gia hướng đến mục tiêu “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.
Theo đó, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tranh thủ lợi thế dân số vàng để đạt được các mục tiêu ổn định và phát triển thị trường lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã tham mưu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhiều giải pháp nhằm phân tích, định hướng và dự báo thị trường lao động, đồng thời nỗ lực kết nối cung - cầu lao động; tăng cường các hoạt động tư vấn các chính sách lao động, việc làm, học nghề nhất là người lao động đang hường trợ cấp thất nghiệp.

Ảnh: nhiều hoạt động kết nối cung - cầu lao động
Năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 12.777 lao động tăng 37,6% so với năm 2021. Trong đó có 7.781 lao động nữ chiếm 60,9% và 4.996 lao động nam chiếm 39,1%.

Biểu đồ 1: Tình hình tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp
Đa số người lao động thất nghiệp có độ tuổi dưới 35 tuổi, chiếm tỷ lệ 54,3%; người lao động thất nghiệp chủ yếu làm ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 51,1%, ngành hoạt động dịch vụ chiếm 27,2%, ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 11% ....

Biểu đồ 2: Thống kế ngành nghề người lao động thất nghiệp
Nhằm giúp người lao động tiếp cận đầy đủ hơn các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, đồng thời giúp người sử dụng lao động nắm bắt nhu cầu tìm việc của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và kết nối người lao động, người sử dụng lao động thông qua các hình thức giao dịch việc làm, trong năm 2022 đã tổ chức được 27 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm bao gồm: tổ chức Ngày hội việc làm - Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh; Ngày hội việc làm tại các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh, phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, chương trình cà phê việc làm; giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và UBND các huyện, thị, thành phố cho trên 1.000 học sinh.

Ảnh: Lễ Khai mạc Ngày hội việc làm tại Trường cao đẳng Vĩnh Long

Biểu đồ 3: Tỷ lệ lao động được giới thiệu việc làm thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm năm 2022
Dự báo những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động sẽ sôi động hơn do các doanh nghiệp tăng cường nhân lực để nâng cao năng suất lao động nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các đơn hàng, kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm. Đặc biệt, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, do vậy các doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động trong thời điểm này để phục vụ kế hoạch mở rộng, sản xuất, kinh doanh cuối năm. Cụ thể, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước khoảng 5.000 vị trí việc làm, nhất là vào dịp cuối năm để phục vụ sản xuất các đơn hàng Tết. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 66%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 33%). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết, chiếm 15%.
Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục nỗ lực kết nối việc làm giữa người lao động và người sử dụng lao động, thực hiện tốt công tác thông tin thị trường lao động và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động./.
Diệu Hiền - TTDVVL