Công tác bình đẳng giới được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, giám sát của Quốc hội, thực tế đã có nhiều văn bản về công tác đảm bảo bình đẳng giới giữa nam và nữ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội,…đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới. Trong đó, việc ưu tiên tạo điều kiện cho phụ nữ được phát triển là một trong những vấn đề quan tâm hiện nay. Theo đó, việc bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức thể hiện ở các nội dung cơ bản là: nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ; tăng cường công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ nữ và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nữ bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới; nâng cao năng lực đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên ngành và liên ngành về thực hiện quy định về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.
Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch góp phần nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương được quan tâm thông qua các lớp tập huấn chuyên sâu; tổ chức hội thảo, tập huấn cho thành viên các ban soạn thảo, tổ biên tập các văn bản quy phạm pháp luật và các hoạt động triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện, trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã được các bộ, ngành quan tâm thực hiện và từng bước có hiệu quả thiết thực. Chính phủ đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ. Ngày càng có nhiều phụ nữ nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Được biết, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đạt tỷ lệ 30% trở lên (thống kê tại khối cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương). Tại cấp trung ương, trong số 1.200 cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành có khoảng 30% nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 640 cơ quan có lãnh đạo chủ chốt là nữ (chiếm tỷ lệ 53%); cấp tỉnh là 375/989 cơ quan, đơn vị (tương đương 38%); cấp huyện là 1.571/2.606 cơ quan, đơn vị (tương đương 60%); cấp xã là 1.600/3.375 cơ quan, đơn vị, tương đương 48%(3). Mặc dù các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo chưa đáp ứng yêu cầu của Chiến lược đề ra, song tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,8% cao hơn mức 19% của Châu Á và 21% trung bình toàn cầu(4). Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2017 Việt Nam đứng thứ 97/144 quốc gia về tỷ lệ nữ tham gia chính trị.

Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia chính trị cao
Tuy nhiên, việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép vào trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các bộ, ngành, địa phương còn ở mức độ hạn chế, thực hiện còn mang tính thủ tục và chưa đi vào thực chất. Công tác phát triển, tạo nguồn cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Các bộ, ngành và địa phương hầu như chưa có chính sách riêng đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Việc phát hiện và giới thiệu nguồn cán bộ nữ chưa được triển khai hiệu quả và mang tính chiến lược. Một số vấn đề nảy sinh có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống, việc làm, an sinh xã hội, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục. Tình trạng vi phạm quy định đối với lao động nữ tại các khu công nghiệp, lao động nữ làm việc tại khu vực phi chính thức chưa được xử lý kịp thời còn gây bức xúc trong xã hội. Nhận thức về vấn đề bình đẳng giới của một bộ phận tầng lớp nhân dân còn hạn chế. Tư tưởng xem nhẹ nữ giới vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã tạo ra những rào cản hạn chế phụ nữ khẳng định bản thân trong công việc và cuộc sống.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, bộ, ngành (nhất là người đứng đầu) còn chưa thật sự sát sao, chưa thực chất nên chưa dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác bình đẳng giới tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chưa có chế tài xử lý việc không hoàn thành các chỉ tiêu của Chiến lược đối với các địa phương hoặc các bộ, ngành phụ trách thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; Chưa có đủ nguồn lực và kỹ thuật thực hiện điều tra quốc gia về bình đẳng giới để đánh giá, xác định những tồn tại và thách thức đối với công tác bình đẳng giới nói chung và đối với các nhóm phụ nữ yếu thế nói riêng như lao động nữ ở khu vực phi chính thức, nữ dân tộc thiểu số, bạo lực trên cơ sở giới...
Một số giải pháp đẩy mạnh bình đẳng giới đối với công chức, viên chức nữ trong thời gian tiếp theo:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và bản thân người phụ nữ. Triển khai thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề "Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em" nhằm tạo nên đợt cao điểm về tuyên truyền và thu hút sự quan tâm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực và xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định về bình đẳng giới.

Vĩnh Long phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2018; tặng quà cho trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn
- Hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tổ chức triển khai thực hiện các văn bản liên quan về công tác bình đẳng giới và phụ nữ như: Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 thông qua các chương trình, đề án.
Nghiên cứu, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tự trau dồi, nâng cao trình độ và tham gia tích cực vào các hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Phát triển nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Từng bước thu hẹp dần khoảng cách giới trong quy định về tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động hiện hành nhằm tạo điều kiện và cơ hội tham gia cho lao động nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống, chính trị, văn hóa, xã hội.
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, mô hình cho lãnh đạo nữ trẻ, phát triển kết nối mạng lưới cán bộ nữ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn giữa cán bộ nữ có kinh nghiệm và cán bộ nữ trẻ.
- Bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ. Cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt của các bộ, ngành, địa phương. Củng cố tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ tham mưu về công tác bình đẳng giới, đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số.
- Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới; trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện pháp luật về bình đẳng giới./.
LĐVL
Lao động việc làm
P. Lao động việc làm