Hỏi: Thực trạng do không có việc làm tại chỗ nên một bộ phận lao động trẻ phải đi làm ăn xa. Nhiều sinh viên ra trường chỉ muốn bám trụ lại các thành phố lớn, chấp nhận trái nghề đã được đào tạo. Vậy tỉnh đã có cơ chế, chính sách như thế nào trong giải quyết việc làm cho người lao động (thanh niên), cũng như thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về làm việc tại địa phương?
Trả lời:
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 630.195 người trong độ tuổi lao động, (nam 338.081, nữ 292.024; thành thị 87.514, nông thôn 542.940). Lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 69.650 người, doanh nghiệp sử dụng đông lao động nhất là Công ty TNHH Tỷ Xuân với 25 ngàn người, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ sử dụng 02 lao động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đa dạng hóa các ngành nghề nên đa phần các sinh viên không muốn làm việc tại địa phương mà đến các thành phố lớn nơi có đa dạng hóa các ngành nghề và mức lương cao hơn ở địa phương, các sinh viên này còn chấp nhận làm trái với ngành nghề đã được đào tạo, thậm chí còn không kê khai bằng cấp, ngành nghề đã được đào tạo để được làm công nhân trong các công ty với mức thu nhập cao; Các ngành nghề đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao thì các sinh viên muốn chứng minh khả năng của mình ở những thành phố lớn, những điạ phương phát triển.
Thực trạng trên là do tỉnh Vĩnh Long chưa có nhiều chính sách thu hút các thanh niên, sinh viên làm việc tại địa phương; Tình trạng học sinh, sinh viên lựa chọn ngành nghề để học theo cảm tính, theo ý muốn của phụ huynh, gia đình, lựa chọn ngành nghề theo phong trào vẫn còn khá phổ biến, sinh viên chưa lựa chọn được ngành nghề phủ hợp với nhu cầu thị trường lao động, chưa trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức từ ngành học đến thực tiễn, mong muốn đi xa để có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn ở địa phương.
Vấn đề này, các ngành chức năng của tỉnh rất quan tâm, đề ra các chính để hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên, thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về làm việc tại địa phương, cụ thể các chính sách lớn của tỉnh như sau:
1. Tạo điều kiện thuận lợi từ cơ sở hạ tầng đến đơn giản hóa các thủ tục tục hành chính nhằm kêu gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp với đa dạng hóa các ngành nghề, đặc biệt quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, thủy sản đến đầu tư tại Vĩnh Long. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản sang lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
2. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm tư nông sản, đổi mới công nghệ sản xuất.
3. Phát triển mạnh chương trình Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, tăng cường tuyên truyền đến thanh niên, học sinh, sinh viên loại bỏ dần quan niệm là phải học đại học, hướng cho thanh niên dần thích ứng với nhu cầu thị trường lao động mới.
4. Đồng bộ từ việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành nghề, chiến lược, kế hoạch phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, nguồn lao động, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp .... đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, người lao động và toàn xã hội về nghề nghiệp, việc làm, học nghề mới có thể từng bước nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lao động, khắc phục được tình trạng "vừa thừa vừa thiếu" trong đào tạo, để công tác đào tạo nói chung và đào tạo nghề nghiệp nói riêng phát triển, phục vụ tốt cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp hiệu quả cho công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người lao động.
* Để góp phần trong giải quyết việc làm cho thanh niên, cũng như thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về làm việc tại địa phương, về gốc độ của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng có các chính sách sau:
1. Kết nối cung và cầu lao động, tăng cường phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đảm bảo giải quyết việc làm cho học sinh sinh viên khi tốt nghiệp.
2. Thực hiện công tác phân tích thị trường lao động, từ đó có phương án kết nối, triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, tạo ra nhiều cơ hội cho người lao động, giúp doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động giảm bớt gánh nặng tìm kiếm lao động, thực hiện đa dạng hóa các hình thức giới thiệu việc làm, trong đó sàn giao dịch việc làm đóng vai trò quan trọng.
Làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp và người lao động, định hướng để người lao động trao dồi các kỹ năng, kiến thức cần thiết, công tác dự báo.
3. Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được vay vốn lập nghiệp từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm thông qua các dự án phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định.
4. Đơn giản hóa, rút gọn các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp với nhiều ngành nghề đến đầu tư. Bên cạnh đó, cũng phối hợp tuyên truyền các chính sách pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Ngoài ra, công tác tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ vay vốn cho người lao động của tỉnh Vĩnh Long đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hiện nay cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan, đây là chính sách giải rất có hiệu quả góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, giúp cho người lao động nói chung, học sinh, sinh viên có nhiều hướng, nhiều giải pháp tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân.
* Tuy nhiên bên cạnh những cơ chế, chính sách của tỉnh thì cũng bản thân thanh niên, sinh viên cần chủ động tiếp cận thị trường lao động, không nên theo học các ngành nghề theo cảm tính mà phải lựa chọn ngành nghề học phù hợp với bản thân, với nhu cầu thị trường lao động. Khi theo học các ngành thì không phải chỉ chăm vào ngành mà mình học mà sinh viên cần trang bị cho mình các kiến thức khác (như Tin học, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, … ) để có nhiều hơn cơ hội lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp bản thân và mức thu nhập tốt hơn.
Đối với thanh niên không theo học các bậc của ngành đào tạo (sơ cấp, trung cấp, .. ) mà có ý định khởi nghiệp thì cần thích ứng dần với nhu cầu thị trường lao động mới, quá trình này đồng thời cũng đòi hỏi thanh niên tham gia khởi nghiệp phải có sự hăng say, vượt khó, vượt qua chính bản thân mình.
LĐ - VL
P. Lao động việc làm
P. Lao động việc làm